Kỹ thuật chụp ảnh phản chiếu ấn tượng
Lợi dụng những bề mặt bóng tựa gương soi như kính, gương, mặt nước..., các “phó nháy” có thể làm nên những khoảnh khắc kỳ thú.
Bất kỳ bề mặt phản chiếu nào cũng có thể đưa vào khung hình. Nhưng để được bức ảnh ưng ý, người chụp cần kết hợp nó với kỹ năng bố cục, “pha màu” và nắm bắt ánh sáng.
Có thể nhận thấy việc chụp phản chiếu ở khung cảnh lớn không mấy khó khăn bởi “chất liệu” khá phong phú. Một mặt hồ yên tĩnh soi bóng những hàng cây, đôi tình nhân hay bầu trời mây đang vần vũ đã đủ gây cảm hứng cho các tay máy.
Khi chụp bề mặt là hồ nước, sông, biển, bạn sẽ phải lựa chọn nơi khá vắng vẻ để không có vật gây nhiễu. Đối tượng được đưa vào là không gian rộng nên bạn phải rất “khó tính” để có bố cục chuẩn nhất.
|
Bức này có chi tiết đơn giản gần như tuyệt đối để người xem tập trung vào màu sắc của bầu trời phản chiếu xuống mặt biển, tạo nên một bức tranh có những mảng màu rất cổ điển. |
|
Đây cũng là một bức ảnh đẹp lợi dụng sự phản chiếu chi tiết hơn về ánh sáng, hậu cảnh và những con vịt. Thông thường, thời điểm hoàng hôn của một ngày khô ráo là lúc lý tưởng để đi tìm sự phản chiếu bởi bạn sẽ có được những mảng màu thực sự đắt giá. Ánh sáng sẽ chuyển sang tông màu ấm, có nhiều màu sắc hòa trộn và dễ nắm bắt với ISO thấp. |
|
Vẻ là lạ trong tấm ảnh trên đơn giản là người chụp thay đổi bố cục, lấy đối tượng chính là vật được phản chiếu (cái bóng), tạo cảm giác bay bổng trên làn nước. |
Khi có bề mặt là tấm gương, các vật bóng soi được như gương, bạn hãy biến chúng thành vật phản chiếu một thế giới mới, để khi người xem nhìn vào một thứ, họ có được nhiều thứ.
|
Công trình kiến trúc trong ảnh trên đã mang lại cả một thế giới khác: quảng trường lớn, những tòa nhà học trời, làm nên sự nối tiếp êm ái cho hậu cảnh là công viên với ghế đá, hàng cây ở phía xa. |
Quả cầu bóng này đã mang lại một cánh rừng rộng lớn cho chú chim nhỏ bé. Đây là bức ảnh có chủ đề hay. Việc nhìn ra một tấm gương phản chiếu nhiều thứ rất dễ đạt được trong đời sống thực nhưng nhìn ra sự liên kết có chủ đề lại là điều mà các “phó nháy” kinh nghiệm và đam mê mới có thể nắm bắt được. |
Khi chụp phản chiếu ở thế giới macro, người cầm máy sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Ví dụ, các giọt nước lung linh phản chiếu một bông hoa rực rỡ, đôi mắt chứa cả thế giới… ở các tấm ảnh mà bạn thấy dưới đây đòi hỏi rất nhiều kỳ công. Trước hết, bạn phải sắm máy có ống zoom dài để tiếp cận đối tượng từ xa, bởi nếu “dí” gần thì chúng sẽ phản chiếu cả hình ống kính trong đó.
Sau đó, người chụp phải kiên trì quan sát sự phản chiếu trong thế giới tự nhiên để có bố cục đẹp nhất. Khi chụp thể loại này, bạn cần dùng chân tripod để chống rung cho máy, bởi thời gian quan sát và cầm máy lâu sẽ khiến bạn mỏi và run tay.
 |
Chiếc ly này như uống cả đất trời. |
 |
Thế giới qua mắt chim. |
 |
Ngàn hoa trong giọt nước. |
PHAN ANH
(Nguồn ảnh: Smashing Magazine)
5 lời khuyên để chụp ảnh đẹp
Bạn bước ra khỏi tiệm rửa ảnh mà lòng đầy tiếc nuối vì những kỷ niệm của chuyến đi du lịch vừa rồi giờ trông... mờ mờ, tối tối. Bạn vẫn không hiểu vì sao ở bên ngoài trông đẹp như vậy mà vào máy ảnh của mình lại xấu thế. Tất cả các loại máy chụp ảnh đều có thể cho ảnh đẹp, quan trọng là người sử dụng nó. Với bất cứ loại máy ảnh nào, dù là máy cơ hay máy tự động, máy bán tự động hoặc máy số thì bước cần làm đầu tiên mà không phải ai cũng để ý, đó là đọc thật cẩn thận hướng dẫn sử dụng - John Shafer, người điều hành trang web photographyREVIEW.com, nhận định (ở VN, một số nhà nhập khẩu máy ảnh dịch luôn bản hướng dẫn ra tiếng Việt -NV). Và nếu bạn sử dụng máy kỹ thuật số thì chú ý mua loại pin sạc thật tốt và luôn mang theo dự phòng bên mình. Máy số rất tốn pin.
Sau khi bạn đã sẵn sàng chuẩn bị , Peter Waisnor, phụ trách kỹ thuật của Canon U.S.A. Inc., đưa ra tiếp năm lời khuyên:
Chọn phim phù hợp
Chừng 10 năm trước, phim với độ nhạy 200asa được sử dụng nhiều, còn hiện nay phim 400-800asa thật sự là những chọn lựa tốt, đặc biệt là để chụp ảnh đẹp những ngày mây u ám và chụp trong nhà bất cứ lúc nào. Nếu đèn flash chỉ rọi được tốt trong khoảng cách 2-3m với phim 100 asa thì với phim 400-800asa nó có thể vươn xa tới 6-9m. Phim có độ nhạy cao có thể chụp dưới ánh sáng đèn bên trong nhà, và bạn có được những bức ảnh trông thật nghệ thuật với phông màu sẫm ở phía sau.
Lúc nào dùng đèn, lúc nào không?
Nếu bạn đứng xa đối tượng cần chụp tới 9-10m mà đèn của bạn chỉ rọi được chừng 6m thì ảnh bạn chụp sẽ thiếu sáng. Và nếu chụp một buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao hay cảnh sân khấu thì đèn flash chỉ rọi sáng được hàng đầu. Vậy tốt hơn hãy chọn phim thật nhạy và không dùng đèn nữa.
Đừng ngại đến gần
Khi bạn đi du lịch và muốn chụp ảnh người dân địa phương thì đừng ngại đến gần, đặc tả khuôn mặt hoặc từ đầu xuống vai. Một bức ảnh toàn cảnh từ đầu đến chân sẽ không đặc tả được những chi tiết trên khuôn mặt.
Ánh sáng đẹp nhất vào buổi sáng và buổi chiều
Nắng chói, rọi ngay trên đầu vào buổi trưa sẽ không thể đẹp bằng ánh nắng ấy vào buổi sáng hay chiều. Mặt trời buổi sáng và chiều giúp những bức ảnh phong cảnh đặc biệt chân thực. Bạn dậy sớm hơn một chút, ở lại ngoài trời muộn hơn một chút và ảnh của bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Chọn máy ảnh loại nhỏ và dễ sử dụng
Để bạn có thể mang chúng đi khắp nơi và không bao giờ phải hối tiếc. Đây là cách dễ dàng để giúp bạn lưu giữ những kỷ niệm. Cứ chụp thoải mái vì có những hình ảnh hay sự kiện mà bạn có thể chẳng bao giờ nhìn thấy lần thứ hai trong đời. Điều này đặc biệt thích hợp với máy ảnh số vì nếu không thích bạn có thể xóa đi. Chụp ảnh không tốn nhiều lắm, vậy bạn có thể chụp tới hàng... triệu bức ảnh cho riêng mình ấy chứ.
THÀNH VINH (Theo Reader’s Digest)
báo Tuổi Trẻ